Ông Sutarno, người tuyển dụng lao động Indonesia ra nước ngoài, khi đồng rupiah yếu đi, nhiều quốc gia đã chuyển sang quốc gia này để tìm kiếm nguồn lao động giá rẻ.
Người dân Indonesia mất việc làm vì cuộc khủng hoảng tài chính năm 1998. Dù vậy, họ vẫn không mấy quan tâm đến các công việc ở nước ngoài khá nặng nhọc như trồng hạt cọ dầu, xây dựng.
Sutarno chỉ có thể tuyển dụng được 10 người từ làng mình, Kuniran, ở vùng núi xa xôi miền Đông Java. Nhưng sau khi các lao động này gửi nhiều tiền về nhà, sự quan tâm tăng vọt chỉ sau một đêm.
“Trong vòng hai tháng, những lao động di cư có thể tiết kiệm đủ tiền để mua xe máy, điều mà chủ đồn điền thành đạt thời điểm đó cũng khó làm được”, người đàn ông 69 tuổi nói. “Đột nhiên, mọi người đều muốn trở thành công nhân nhập cư”.
Kuniran là một trong nhiều ngôi làng lao động di cư ở khắp Indonesia. Ở đây, cứ hai nhà thì có ít nhất một thành viên trong gia đình đi làm nước ngoài. Theo Ngân hàng Thế giới, họ đã gửi về quê hương hơn 11 tỷ USD vào năm ngoái. Đặc điểm của làng di cư là trẻ em được ông bà, họ hàng chăm sóc thay vì cha mẹ chúng.
Suparni, 40 tuổi, ở làng Kuniran đã nuôi mộng đi làm nước ngoài khi chứng kiến chị gái, người về nhà hai năm một lần với bộ quần áo đẹp, socola, mỹ phẩm cho cả gia đình. Chị đưa bố đến cửa hàng điện tử sắm TV, tủ lạnh.
Cô trở thành công nhân nhà máy ở Malaysia trong hai năm rồi chuyển sang giúp việc tại Singapore. Sau 5 năm ở nước ngoài, Suparni trở về quê kết hôn năm 2011 và có con gái ba năm sau đó.
Nhưng cuộc sống ở Kuniran không dễ dàng. Chồng bà, ông Kusno chỉ kiếm được 7 USD mỗi ngày với công việc ngành xây dựng, chưa kể nơi làm việc xa xôi. Suparni bán rau ở chợ địa phương, lãi khoảng 4 USD mỗi ngày.
“Chúng tôi đã chi nhiều hơn số tiền kiếm được và bắt đầu nợ nần”, bà nói. Năm 2017, Suparni đưa ra lựa chọn đầy khó khăn là để lại cô con gái Noni ba tuổi để trở thành người giúp việc gia đình ở Singapore lần thứ hai.
Noni đã 10 tuổi, không nhận ra mẹ mỗi khi Suparni về thăm. Cô bé gắn bó với ba và bà nội, hầu như không nghe lời mẹ. Suparni vẫn đang nỗ lực để chiếm được trái tim con gái, dù Noni không muốn nói chuyện với cô, hoặc trả lời rất ngắn gọn và lạnh lùng.
Những trường hợp như thế này rất quen thuộc với bà Anis Hidayah, Ủy ban Nhân quyền Quốc gia Indonesia (Komnas HAM). Bà nói gia đình không có sự quan tâm của cha lẫn mẹ, trẻ sẽ cư xử không đúng mực, học hành kém hoặc gặp rắc rối.
“Có nhiều bất cập xã hội phát sinh từ việc di cư”, bà nói.
Tham khảo từ https://dichvuseo365.com/noi-buon-trong-gia-dinh-co-nguoi-di-lam-thue-o-nuoc-ngoai.html