Mô hình tuần làm việc bốn ngày được chính phủ ủng hộ nhưng rất ít người lao động Nhật Bản hưởng ứng bởi định kiến xã hội và e ngại thu nhập giảm.
Từ năm 2021 chính phủ Nhật Bản đã thực thi hàng loạt chính sách để thúc đẩy sự thay đổi văn hóa làm việc đến kiệt sức như giảm giờ làm, sắp xếp công việc linh hoạt, giới hạn giờ làm thêm và đảm bảo nghỉ phép có lương. Đặc biệt, các doanh nghiệp được khuyến khích áp dụng mô hình “tuần làm việc bốn ngày”.
Bộ Lao động Nhật Bản cũng nhận tư vấn miễn, hỗ trợ tài chính và chia sẻ thành công để doanh nghiệp, đặc biệt là công ty vừa và nhỏ dễ dàng tiếp cận được mô hình mới. Trên website của Bộ Lao động cũng nhấn mạnh mục tiêu “xây dựng xã hội mà người lao động có quyền tự do lựa chọn phong cách làm việc phù hợp với bản thân, từ đó tạo ra một vòng tuần hoàn tăng trưởng và phân phối bền vững, mang lại tương lai tươi sáng hơn”.
Akiko Yokohama, nhân viên một công ty công nghệ ở Tokyo, đang hưởng lợi ích của tuần làm việc bốn ngày. Ngoài hai ngày cuối tuần, nữ nhân viên này đăng ký nghỉ thêm thứ tư để có thời gian chăm sóc bản thân.
“Nghỉ ngơi giúp tôi hồi phục năng lượng hoặc có thể đi khám bác sĩ khi cần. Và hơn hết, tôi cảm thấy tinh thần thoải mái, ít căng thẳng hơn khi chỉ làm việc bốn ngày”, Yokohama nói.
Chồng Yokohama là môi giới bất động sản cũng được nghỉ thứ tư. Điều này giúp họ có thời gian bên nhau và đưa con đi chơi vào giữa tuần.
Không chỉ các công ty công nghệ nhỏ, làn sóng làm việc tuần bốn ngày cũng lan rộng đến các tập đoàn lớn tại Nhật Bản. Fast Retailing Co., công ty mẹ của Uniqlo, Theory, J Brand và nhiều thương hiệu thời trang, điện tử khác cũng đang thử áp dụng mô hình này.
Tuy nhiên, việc thay đổi phong cách làm việc trên diện rộng không dễ dàng. Thực tế cho thấy chỉ khoảng 8% doanh nghiệp cho nhân viên nghỉ ba ngày trở lên mỗi tuần. 7% đáp ứng mức tối thiểu theo luật là tuần nghỉ một ngày, theo Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi Nhật Bản.
Trên thực tế, làm việc nhiều giờ vẫn là tiêu chuẩn. Thậm chí tình trạng “làm thêm giờ phục vụ” – nghĩa là không báo cáo và không được trả lương – vẫn tồn tại, dù có quy định pháp lý về giới hạn làm thêm giờ.
Chính phủ cũng khẳng định sẽ cố gắng cân bằng công việc và cuộc sống nhưng xu hướng “làm việc đến chết” khó bị xóa mờ. Những lao động có ý định nghỉ phép vẫn bị đánh giá là thiếu trách nhiệm.
Thuật ngữ “karoshi” của Nhật Bản mang hàm ý “làm việc tới chết” cho thấy mỗi năm quốc gia này có ít nhất 54 trường hợp tử vong do làm việc quá sức. Đây cũng là một trong những nguyên nhân khiến tỷ lệ sinh tại Nhật Bản giảm. Giới chức nước này nhận định nếu không thay đổi tư duy làm việc, quốc gia sẽ phải đối mặt với cuộc khủng hoảng nhân khẩu học nghiêm trọng. Dự báo đến năm 2065, dân số Nhật Bản trong độ tuổi lao động giảm tới 40%, từ 74 triệu xuống còn 45 triệu người.
Tuy nhiên, không phải tất cả lao động đều ủng hộ mô hình làm việc mới này. Nhóm phản đối cho biết những nhân viên làm việc bốn ngày một tuần vẫn gặp căng thẳng, áp lực tại nơi làm việc nhưng phải nhận mức lương thấp hơn.
Một cuộc khảo sát hàng năm của Gallup đo lường mức độ gắn kết của nhân viên với công ty, cho thấy Nhật Bản xếp hạng thấp nhất trong các quốc gia được khảo sát. Theo đó, chỉ 6% người lao động cảm thấy gắn bó với công việc so với mức trung bình của toàn cầu là 23%. Điều này phản ánh phần lớn lao động Nhật Bản làm việc để mưu sinh, không ghi nhận sự đam mê và sự nhiệt huyết với công ty.
Kanako Ogino, người đứng đầu tập đoàn sở hữu chuỗi karaoke và khách sạn tại Tokyo, nói tầm quan trọng của việc cung cấp giờ làm việc linh hoạt để thu hút và giữ chân nhân tài. Đặc biệt là trong ngành dịch vụ với đa phần người lao động là nữ.
Công ty này hiện cung cấp 30 mô hình làm việc khác nhau để nhân viên lựa chọn, bao gồm tuần làm việc bốn ngày hoặc lựa chọn nghỉ phép dài ngày. Để đảm bảo nhân viên cảm thấy thoải mái và được tôn trọng, năm hai lần, bà Ogino chủ động trao đổi với từng người trong số 4.000 nhân viên để hiểu thêm về mong muốn và nhu cầu của họ.
“Ở Nhật Bản, mọi người thường mặc định rằng làm việc càng nhiều giờ, sẵn sàng hy sinh thời gian nghỉ mới chứng tỏ sự cống hiến. Nhưng chẳng ai mơ ước có cuộc sống như vậy”, Ogino nói.
Minh Phương (Theo Independent)
Tham khảo từ https://dichvuseo365.com/nguoi-nhat-kho-bo-van-hoa-lam-viec-den-kiet-suc.html