Hà GiangKỳ nghỉ lễ 2/9 dài 4 ngày thích hợp để du khách tới phía tây Hà Giang, nơi các thửa ruộng bậc thang chuyển vàng sớm nhất miền Bắc.
Theo dự báo, các thửa ruộng bậc thang tại Hoàng Su Phì sẽ bắt đầu ngả vàng vào đầu tháng 9 và rực rỡ nhất khoảng 2-3 tuần sau đó. Bốn ngày của kỳ nghỉ 2/9 phù hợp cho chuyến du lịch tới đây.
Thổ địa Hà Giang Giáp Văn Hải gợi ý lịch trình khám phá Hoàng Su Phì dịp nghỉ lễ này. Trải nghiệm dành cho người thích vận động, muốn khám phá “hết mọi ngóc ngách” của Hoàng Su Phì. Nếu du khách thích nghỉ ngơi, có thể hạn chế di chuyển, dành nhiều thời gian hơn ở mỗi địa điểm.
Ngày 1: Thảo nguyên Suôi Thầu – Bản Phùng
Hoàng Su Phì cách Hà Nội khoảng 300 km, thời gian di chuyển khoảng năm tiếng. Tuy nhiên đường đi Hoàng Su Phì từ Tân Quang đang sửa chữa, du khách đổi hướng đi cao tốc Hà Nội – Lào Cai qua Bắc Hà để vào Hoàng Su Phì. Quãng đường xa hơn khoảng 80 km nhưng thuận lợi hơn.
Ăn trưa tại Phố Lu, huyện Bảo Thắng, Lào Cai. Tại đây có nhiều hàng quán để lựa chọn, tùy theo nhu cầu. Một số gợi ý: nhà hàng Hiếu Giáp, Hải Huyền, với các món như canh gà đen, lợn cắp nách, cá sông. Sau đó, du khách tiếp tục sang thị trấn Xín Mần để đi bản Phùng. Dừng nghỉ ở thảo nguyên Suôi Thầu.
Khoảng hai năm nay, thảo nguyên Suôi Thầu, thị trấn Cốc Pài, huyện Xín Mần trở thành điểm đến yêu thích, được ví như “Thụy Sĩ thu nhỏ” của Hà Giang bởi vẻ thơ mộng và bình yên. Mỗi mùa, thảo nguyên lại có những mảng màu khác nhau. Mùa xuân, hoa cải vàng, mùa hè là sắc xanh của nương ngô, ruộng lúa, đồng cỏ và tháng 9-10 là thời điểm sắc trắng hồng của hoa tam giác mạch xen lẫn những hàng sa mộc.
Nghỉ đêm tại homestay ở bản Phùng. Đây là nơi sở hữu danh thắng ruộng bậc thang đẹp bậc nhất Hoàng Su Phì, một trong những điểm phải đến ở Hà Giang. Xã Bản Phùng nằm cách trung tâm huyện Hoàng Su Phì khoảng 30 km. Người dân ở đây chủ yếu là đồng bào dân tộc La Chí với nhiều nét văn hóa đặc sắc còn được lưu giữ khá nguyên vẹn.
Homestay chủ yếu là nhà sàn, nhà cộng đồng, đủ các tiện ích cơ bản. Giá thuê dao động 100.000 đồng-120.000 đồng một người. Một vài nơi có phòng riêng, giá từ 500.000 đồng đến 700.000 đồng một phòng. Một số địa chỉ tham khảo: La Chí Phong homestay, Trọng Phú Homestay, Chí Tài homestay.
Bữa tối, du khách sẽ ăn cùng người bản địa và đừng quên uống rượu bằng sừng trâu. Đây là nét văn hóa đặc sắc của dân tộc La Chí, được truyền từ nhiều đời trong các dịp lễ, Tết hay cúng bái, đặc biệt phổ biến vào Tết Khu Cù Tê của người La Chí, tháng 7 Âm lịch.
Ngày 2: Khám phá vẻ đẹp bản Phùng
Bình minh là lúc bản Phùng đẹp nhất. Du khách có thể vừa ngắm những thửa ruộng bậc thang vừa chiêm ngưỡng biển mây, không khí cũng trong lành và dễ chịu. Hãy thức dậy khoảng 5h, thời điểm được cho là đẹp nhất.
Sau khi ăn sáng, du khách dành thời gian tản bộ, hoặc đi xe máy vào thôn Na Léng để tới “Trái Tim Bản Phùng”. Trên đường, du khách khám phá thêm những nét văn hoá độc đáo, nếp sống của người La Chí.
Di chuyển đến Bản Luốc. Đây là một trong ba điểm ruộng bậc thang đẹp nhất Hoàng Su Phì, sau bản Phùng. Du khách hãy đặt cơm trưa tại nhà hàng nhìn toàn cảnh danh thắng ruộng bậc thang. Món ăn không thể thiếu là cá chép ruộng.
Lên núi Chiêu Lầu Thi, nơi được ví như “nàng thơ” của Tây Côn Lĩnh (cao 2.402 m) nằm ở xã Hồ Thầu. Hiện đường bê tông thuận lợi cho việc di chuyển bằng ôtô, xe máy lên tận đỉnh.
Để nghỉ đêm, du khách có thể cắm trại hoặc thuê chỗ ngủ ở homestay chú Phú, giá 120.000 đồng một người. Một suất cơm giá 150.000 đồng, dịch vụ tắm lá thuốc khoảng 100.000 đồng. Du khách nên liên hệ để đặt cơm trước, đặc biệt là món gà nướng hạt dổi mắc khén mang hương vị núi rừng Hà Giang.
Ngày 3: Săn mây Chiêu Lầu Thi
Đến Chiêu Lầu Thi không săn mây coi như chuyến đi chưa trọn vẹn. Từ điểm homestay nhà chú Phú, du khách di chuyển khoảng một km để tới điểm dừng chân leo bộ lên đỉnh Chiêu Lầu Thi.
“Khi leo núi nên mang theo nước hoặc đồ ăn vặt. Cung leo khá dễ vì gần đây đã đã có bậc thang. Thời gian di chuyển khoảng 30-40 phút một chiều”, anh Hải cho hay. Trở về homestay ăn sáng.
“Phượt” ở Hoàng Su Phì nói riêng và các khu vực miền núi phía Bắc nói chung, du khách sẽ mất khá nhiều thời gian di chuyển. Vì vậy, qua mỗi chặng hãy nghỉ ngơi đủ để lấy lại sức để rồi lại tiếp tục di chuyển.
Điểm đến tiếp theo là Thông Nguyên. Ăn trưa ở homestay dưới chân núi thuộc xã Hồ Thầu như Long Chiều, Hồ Thầu Eco Village. Đặc trưng ở các bữa cơm ở homestay là “không phải đi chợ” vì cây nhà lá vườn có gì dùng nấy như thịt treo, rau dược liệu rừng.
Đây là nơi có ruộng bậc thang hình mâm xôi Nậm Khòa, với hoàng hôn ở đẹp. Nậm Hồng, Nậm Khòa thuộc xã Thông Nguyên là nơi sinh sống chủ yếu của đồng bào người Dao.
Dịch vụ lưu trú và du lịch cộng đồng ở đây khá chất lượng. Họ làm du lịch bài bản, gắn liền với văn hóa bản địa và danh thắng ruộng bậc đan xen là những bungalow tiện nghi như Hoàng Su Phì bungalow, Hoàng Su Phì Logde, Bình Minh homestay. Giá phòng dao động 1-2 triệu đồng tùy hạng.
Tại đây cũng có đầy đủ các dịch vụ ăn uống. Ngoài ra, đừng bỏ lỡ cơ hội tắm lá thuốc dược liệu người Dao sau một ngày trekking vất vả.
Ngày 4: Bình minh ở Móng ngựa Nậm Hồng
Tại Nậm Hồng, du khách không cần vất vả như các điểm khác bởi bình minh đẹp xuất hiện ngay cửa phòng.
“Ngồi ăn sáng, du khách có thể ngắm từng đợt mây trôi lững lờ”, Hải cho hay.
Trải nghiệm bắt cá chép ruộng và thưởng thức các món từ cá là hoạt động không thể thiếu dịp mùa vàng này. Mô hình nuôi cá, lúa là phương thức phổ biến. Cá ăn sâu bọ hại lúa, sục bùn, diệt cỏ dại và thải phân làm tốt lúa, người dân bón phân cho lúa sẽ bổ sung thức ăn cho cá. Khi thu hoạch, cá ăn lúa rơi vãi và rơm rạ mục. Cá nuôi trong ruộng lúa chất lượng thịt thơm, béo ngậy. Các món cá gồm nướng, canh chua, chiên giòn.
Kết thúc hành trình, du khách di chuyển từ Thông Nguyên qua Xuân Minh để ra QL 279, tiếp đến QL2 (Việt Quang, Bắc Quang, Hà Giang) để về Hà Nội.
Anh Hải lưu ý, du khách cần chuẩn bị sức khỏe tốt vì hành trình tới Vinh Quang khá gian nan. Hãy đặt dịch vụ trước để đảm bảo chuyến đi được trọn vẹn. Khi tới bản Phùng, những nơi có sừng trâu trên mặt đất, đấy là mộ tổ tiên của người La Chí, nên tránh và không tò mò tìm hiểu. Trekking cần chuẩn bị giày thể thao, áo khoác nhẹ để thuận tiện di chuyển và phù hợp thời tiết.
Miền núi phía Bắc bắt đầu vào mùa thời tiết đẹp, không còn nhiều đợt mưa lũ như hồi tháng 6-7. Tuy nhiên, vẫn có thể rủi ro gặp những cơn mưa lớn cuối mùa. Du khách nên xem trước thời tiết để chọn hành trình phù hợp.
Tâm Anh
Tham khảo từ https://vnexpress.net/bon-ngay-di-hoang-su-phi-don-lua-chin-dip-2-9-4782998.html